Quả vải thiều có vị ngon ngọt thanh mát (ảnh:sưu tầm)
Loại trái cây này chứa nhiều dưỡng chất, rất giàu vitamin C (chứa khoảng 71,5 mg/100 gram). Vải cũng là nguồn cung cấp đồng và phốt pho. Trái vải còn rất độc đáo bởi chứa polyphenol oligonol, hợp chất mang đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn.
Trái vải có nhiều nước, có vị ngọt thanh quả mọng nước đặc biệt không thể lẫn với bất kỳ loại trái cây nào khác. Có thể dùng ăn tươi hay sấy khô hoặc ngâm đường, ngâm rượu. Hạt vải thái mỏng phơi hay sấy khô dùng làm thuốc với tên lệ chi hạch.
Quả vải được coi là trái cây quý của người phương Đông (ảnh:sưu tầm)
Theo Đông y quả vải có tính ấm, vị ngọt, đi vào các kinh can, vị, phế. Đông y cho rằng, quả vải có nhiều công dụng, bao gồm bổ huyết, sinh tân dịch, dưỡng tâm, và chỉ khát.
Vị ngọt của quả vải giúp bổ sung tân dịch, cải thiện tình trạng khô miệng, khát nước. Đặc biệt, quả vải còn có tác dụng an thần, giảm stress và cải thiện giấc ngủ. Với những người bị thiếu máu, suy nhược cơ thể, có thể sử dụng quả vải kết hợp với táo đỏ, hạt sen, kỷ tử… sẽ thành bài thuốc bổ khí huyết , chữa suy nhược cơ thể rất hiệu quả
Trong khi đó, với những người bị chứng khô miệng, khát nước, có thể sử dụng quả vải như một loại trái cây giải khát tự nhiên. Khoa học đã phân tích được quả vải chứa nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng như: vitamin C, vitamin B6, niacin, riboflavin, thiamin, đồng, kali và phốt pho. Vitamin C trong quả vải giúp tăng cường hệ miễn dịch, thúc đẩy quá trình sản xuất collagen và bảo vệ tế bào khỏi tổn thương oxy hóa.
Trong dân gian có rất nhiều bài thuốc chữa bệnh rất hiệu quả từ quả vải sưu tầm từ các tài liệu y học cổ truyền cổ như:
- Chữa đau bụng, buồn nôn: hạt vải nướng chín, sau đó bóc vỏ ngoài ăn ngày 2 lần mỗi lần khoảng 6-8g.
- Đau bụng kinh hoặc đau bụng sau sinh: 20g hạt vải nướng cháy với 40g hương phụ tán bột mịn, sau đó pha uống với nước ấm hoặc nước cơm (ngày 6-8 g)
Một cách chế biến khác từ quả vải rất ngon nữa đó chính là rượu vải. Rượu vải có hương vị nhẹ nhàng, có chút vị ngòn ngọt, rất thơm, thích hợp cho chị em phụ nữ. Rượu vải có tác dụng thanh nhiệt cho những ngày nóng cũng như có tác dụng làm đẹp, dưỡng nhan cho các chị em phụ nữ.
Rượu vải tốt cho nhan sắc chị em(ảnh:sưu tầm)
Cách ngâm rượu vải như sau:
Vải tươi mua về bóc vỏ, bỏ hạt và ngâm phần cơm vải trong dung dịch nước lọc pha với muối loãng.
Sau khi ngâm vải khoảng 5 - 10 phút, bạn vớt ra rồi rửa lại thật sạch vài lần cơm vải với nước lọc sao cho trôi hết nước muối. Để thật ráo cơm vải.
Cho cơm vải vào 1 cái bình, cho vào 2 lít rượu trắng có nồng độ 40 - 45 độ, đậy nắp lại trong vòng 2 - 4 tuần là có thể sử dụng.
Những lưu ý từ thầy thuốc
Quả vải rất tốt cho sức khỏe, nhưng vì có tính ấm, nên nếu ăn quá nhiều có thể gây nóng trong, đặc biệt là đối với những người có cơ địa nhiệt.
Tốt nhất là nên ăn vải vào buổi sáng hoặc trưa, tránh ăn vào buổi tối để không ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ngoài ra, những người có tiền sử dị ứng hoặc mắc các bệnh lý mãn tính cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thêm vải vào chế độ ăn hàng ngày
Hội Đông y Tp Hà Nội
Bs. Nguyễn Phương Thảo