I. Nguyên tắc phòng và bảo vệ đường hô hấp
Tai mũi họng là “cửa ngõ” đầu tiên của cơ quan hô hấp và sẽ chịu gánh nặng đầu tiên nếu không khí bị ô nhiễm. Do việc tiếp xúc với khí thải của các phương tiện giao thông, công trình xây dựng là điều khó tránh khỏi để phòng và bảo vệ bản thân chúng ta. Phải thực hiện được 5 biện pháp sau:
1. Sử dụng khẩu trang thường xuyên
Việc đeo khẩu trang là điều cực kỳ cần thiết, tuy nhiên cần lựa chọn khẩu trang đạt tiêu chuẩn nhiều lớp và có lớp lọc bụi do cơ quan chức năng chứng nhận, ôm sát khuôn mặt. Khẩu trang dù không đảm bảo ngăn chặn 100% khói bụi nhưng sẽ làm hạn chế chúng xâm nhập vào mũi vào phổi.
2. Vệ sinh mũi, miệng bằng nước muối sinh lý
Bất kể trẻ em hay người lớn thì đều cần bảo vệ cơ quan khứu giác sạch sẽ tránh chất bẩn và vi trùng từ không khí. Cũng theo BS. Huỳnh Khắc Cường - Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam cho rằng việc vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý dạng nhẹ rất cần thiết như vệ sinh răng miệng hằng ngày.
3. Cập nhật thông tin thường xuyên
Các nguồn tin cậy như thời sự, các ứng dụng trên điện thoại là các nguồn tin cậy để bạn chủ động phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe trước khi đi ra khỏi nhà.
Vào những ngày chất lượng không khí kém, bạn nên hạn chế ra ngoài nếu không thực sự cần thiết để tránh nguy cơ mắc bệnh
4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa
Phần lớn thời gian chúng ta ở trong nhà (tại gia đình và nơi làm việc), do đó để giảm thiểu nguy cơ và bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm không khí trong nhà, chúng ta nên dọn dẹp nhà cửa ít nhất mỗi tuần 1 lần, lau dọn bằng khăn ướt sẽ giúp giảm thiểu bụi bẩn trong nhà đi nhiều lần. Có thể sử dụng các loại máy lọc không khí để hạn chế sự ô nhiễm trong không gian sống.
5. Sử dụng nhiên liệu điện
Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội là người dân sử dụng bếp than tổ ong quá nhiều. Hà Nội, hiện có hơn 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong. Chuyển sang dùng bếp điện bếp từ hoặc bếp điện sẽ hạn chế được nhiều nồng độ khí thải ra không khí.
II. Cung cấp đủ các loại vitamin và khoáng chất
Có thể nói, khi thời tiết chuyển lạnh, phổi dễ bị tổn thương, có thể gây ra các như viêm phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính, ... Chủ động phòng ngừa bằng cách xây dựng chế độ ăn uống với các loại vitamin A, D, C, E, Omega-3, giữ ấm cơ thể và tránh xa các tác nhân như ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc, ...
1. Vitamin A
Vitamin A không chỉ tốt cho mắt mà còn hỗ trợ duy trì chức năng bình thường của phổi. Vitamin A có tác dụng tái tạo niêm mạc phổi, duy trì chức năng của các tế bào màng nhầy bảo vệ phổi khỏi các tác nhân gây bệnh trong không khí.
Những thực phẩm giàu vitamin A các bạn có thể sử dụng như khoai lang, Cà rốt, Rau bina, Ớt chuông, Bông cải xanh, Dưa lưới, Xoài…
2. Vitamin D
Vitamin D là chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe của phổi. Nếu thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và các tình trạng ảnh hưởng đến phổi, bao gồm cả COPD.
Sự thiếu hụt vitamin D đã được chứng minh diễn ra phổ biến ở những người mắc các bệnh ảnh hưởng đến phổi, bao gồm hen suyễn và COPD, và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và ảnh hưởng đến chức năng phổi ở những người này.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng thiếu hụt vitamin D có liên quan đến việc phổi bị tổn thương nghiêm trọng hơn, thời gian mắc bệnh lâu hơn và nguy cơ tử vong cao hơn ở những người nhập viện vì COVID-19.
Vitamin D còn giúp nâng cao hiệu suất tập luyện cho những người bị bệnh liên quan đến phổi, nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Để tăng cường sức khỏe của phổi, mọi người nên ăn những thực phẩm giàu vitamin D như Cá, Hàu, Sò, Trứng cá, Tôm, Chả lụa, Xúc xích, Nấm, Trứng gà, Sữa bò, …
3. Vitamin C
Vitamin C có chức năng như một chất chống oxy hóa mạnh nên có thể ngăn ngừa những tổn thương ở tế bào, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.
Vitamin C có đặc tính chống viêm và điều hoà miễn dịch. Một số nghiên cứu cho thấy rằng, bổ sung đầy đủ vitamin C là điều cần thiết để đảm bảo phổi khỏe mạnh, ngăn ngừa các bệnh về phổi như COPD.
Hơn nữa, các nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin C có thể làm giảm nguy cơ và thời gian nhiễm trùng đường hô hấp. Đặc biệt, có thể giúp cải thiện chức năng phổi và ngăn ngừa suy giảm chức năng phổi ở những người bị bệnh hen suyễn.
Lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày (RDA) cho người lớn trên 19 tuổi là 75–120 mg. Những thực phẩm giàu vitamin C các bạn có thể bổ sung hàng ngày như Ớt chuông, Kiwi, Dâu tây, Súp lơ trắng, Bông cải xanh, Dưa lưới, Cà chua, Đu đủ, …
4. Omega-3
Chất béo omega-3 có đặc tính chống viêm mạnh mẽ, có tác dụng hữu ích đối với các bệnh viêm phổi như hen suyễn. Xây dựng chế độ ăn uống giàu omega-3 cũng có thể làm giảm nguy cơ phát triển COPD. Omega-3 có nhiều trong Cá hồi, Sữa, Ngũ cốc, Cải xoăn, Cải xanh, Đậu hà lan, Óc chó, …
5. Vitamin E
Vitamin E có tác dụng bảo vệ và phòng ngừa các bệnh liên quan rối loạn hô hấp. Khi bổ sung vitamin E đầy đủ, mô phổi được phục hồi, làm giảm các vấn đề về hô hấp.
Ngoài ra, vitamin E chống oxy hoá mạnh mẽ, giúp bảo vệ các tế bào, phòng ngừa nhiều bệnh tật. Có thể bổ sung vitamin E qua các loại thực phẩm như các loại hạt (Hướng dương, Hạnh nhân), Bơ, Cá hồi, Tôm, Bí đỏ, Bông cải xanh, ...
III. Một số biện pháp khác bảo vệ sức khỏe của phổi vào mùa lạnh
Có thể nói, khi thời tiết chuyển lạnh, phổi dễ bị tổn thương, có thể gây ra các như viêm phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính, ... Chủ động phòng ngừa bằng cách xây dựng chế độ ăn uống với các loại vitamin A, D, C, E, Omega-3, giữ ấm cơ thể và tránh xa các tác nhân như ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc, ...
- Bỏ thuốc lá
Người hút thuốc lá có nguy cơ chết vì bệnh phổi cao hơn 13 lần so với người không hút thuốc. Khi phổi chứa những hóa chất độc hại như nicotine, khí NO, nhựa thuốc lá sẽ gây ra nguy cơ ung thư phổi. Hai lá phổi mất khả năng tự làm sạch, đồng thời kích ứng làm viêm các mô, dần dần đường thở bị thu hẹp.
- Tập thể dục đều đặn
Theo nghiên cứu của Health Line về tác dụng của tập thể dục, nhịp thở sẽ tăng lên gấp 4 lần ( từ 15 nhịp thở /phút lên khoảng 60 nhịp/phút) giúp mang lại hiệu quả cho phổi. Các cơ liên sườn được giãn ra và co lại, các túi khí bên trong phổi hoạt động hiệu quả để trao đổi khí oxy và co2.
Những môn thể thao phù hợp là tập thể dục nhịp điệu, đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, bơi lội…
Càng tập thể dụng thường xuyên, phổi sẽ trở nên càng hiệu quả hơn, đồng thời chống lại sự lão hóa và phòng chống bệnh tật tốt hơn.
- Ăn uống lành mạnh
Ăn nhiều trái cây, rau củ quả, các loại ngũ cốc nguyên hạt, uống đủ nướng sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm trùng, hàm lượng vitamin cao giúp phổi tăng cường trao đổi chất một cách hiệu quả.
- Tránh tiếp xúc với chất ô nhiễm
Một số chất ô nhiễm trong không khí gây hại trực tiếp tới phổi và đẩy nhanh quá trình lão hóa. Trồng nhiều cây ở khu vực trong nhà và xung quanh để hít thở trong lành hơn. Thường xuyên mở cửa sổ để tăng thông gió, tránh các chất làm mát không khí tổng hợp, nến thơm gây ức chế đường thở.
- Tập thở sâu mỗi ngày
Theo Health Line, việc hít thở sâu giúp làm sạch phổi và kích thích sự trao đổi oxy. Trong điều kiện bình thường, chúng ta chỉ hít thở nhẹ nhàng, chỉ sử dụng một phần nhỏ diện tích của phổi.
Việc hít thở sâu trong vài phút, ngồi yên tĩnh, từ từ hít không khí vào bằng mũi, thở ra bằng miệng hết sức có thể sẽ làm phổi được thanh lọc chất thải.
Thời tiết đã vào mùa đông lạnh, chúng ta sẽ bị hạn chế thời gian luyện tập thể dục, thời tiết mây mù nhiều khói ô nhiễm. Vì vậy chúng ta cần chú ý hơn tới chế độ ăn uống, tập bỏ thuốc lá… Cẩn trọng theo dõi các biểu hiện như khó thở, đau ngực ào mỗi buổi sáng để khám bác sĩ kịp thời.
BS. Trần Thị Thủy
Hội Đông y thành phố Hà Nội