TRẠCH TẢ

Cây Trạch Tả có tên khoa học là Alisma plantago – aqulica L. var. orientale Sam, thuộc họ Alismataceae. Cây Trạch Tả là dược liệu quý. Trạch Tả có tác dụng lợi tiểu, chữa thủy thũng và hỗ trợ trị bệnh gan.

Cây Trạch Tả loại cây thảo nhỏ, cao khoảng 40 – 50cm; thân rễ trắng và hình cầu hoặc hình con quay thành cụm. Lá của cây hình mác và thu hẹp dần về phía dưới cuống, cán hoa có dạng hình tròn, nhẵn phát triển từ dưới gốc lên và phân chia thành nhiều vòng hoa có cuống dài. Hoa lưỡng tính và có 3 cánh màu sắc trắng hay hồng nhẹ, nhị 6 đến 9 và dẹt, bầu nhiều ô xếp thành một vòng, mỗi ô chứa một noãn và vòi nhuỵ mảnh dễ rụng. Quả của cây Trạch Tả có hình bế, dạng màng và vẫn còn đài tồn tại; mùa hoa quả vào tháng 10 – tháng 12.

Cây Trạch Tả này mọc hoang là ở những nơi ẩm ướt như Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, hiện được trồng ở các tỉnh như Nam Hà, Thái Bình, Hải Dương… Cây Trạch Tả thu hái một năm 2 vụ: vụ tháng 6, vụ tháng 12 (nếu không lấy giống thì cắt bỏ hoa cho to củ) và nhổ cả cây lấy củ, cắt thân lá, gọt sạch rễ con và rửa sạch đất cát, sấy nhẹ hay phơi khô và khi dùng thái phiến dầy 1 đến 3mm. Nếu củ khô cứng quá thì phải ngâm và ủ mềm rồi thái và phơi khô.

Theo y học hiện đại cây Trạch Tả có tác dụng làm giãn mạch vành, điều hòa huyết áp nhẹ; chống đông máu và hạ đường huyết trong bệnh tiểu đường.

Theo y học cổ truyền cây Trạch Tả có tác dụng trừ thấp nhiệt, lợi tiểu, làm mát thận, trị tả lỵ, bổ huyết cho phụ nữ nuôi con.

Trạch Tả có một số bài thuốc như: điều trị cổ trướng; tiểu tiện khó, đái rắt kèm đái buốt; bệnh gan nhiễm mỡ; bệnh gout…

Kiêng kỵ một số lưu ý khi dùng cây Trạch Tả

Tuyệt đối không sử dụng cây Trạch Tả cho người bị tỳ hư, hỏa hư.

Người có tiền sử dị ứng với Trạch Tả ở các dạng bào chế khác không sử dụng.

Người thuộc chứng gan thận hư, tiểu tiện nhiều mà không có thấp nhiệt thì không được dùng.

Nguồn: Đông Tây y Trường Xuân