Điều trị mề đay hiêu quả theo Y học cổ truyền

     Y học cổ truyền chia bệnh mề đay thành các dạng như phong nhiệt, phong hàn, huyết hư phong tán. Mỗi dạng mề đay này thường ứng với các bài thuốc chữa mề đay khác nhau với các loại nguyên liệu tự nhiên từ Y học cổ truyền. Dưới đây là một số bài thuốc mà bạn có thể tham khảo.

Bài thuốc chữa mề đay dạng phong nhiệt

    Những trường hợp mề đay dạng phong nhiệt thường có các triệu chứng điển hình như xuất hiện các nốt chẩn có màu đỏ tươi. Bệnh nhân có cảm giác nóng rát, trên da xuất hiện các đợt ngứa ngáy dữ dội trên da. Đồng thời bệnh nhân nổi mề đay dạng phong nhiệt còn xuất hiện một số triệu chứng phiền táo, miệng khát.

    Một số ít người nổi mề đay dạng phong nhiệt còn có thể xuất hiện các dấu hiệu sốt, đôi khi sợ lạnh. Quan sát bệnh nhân mề đay dạng phong nhiệt có dấu hiệu họng sưng đau, màu sắc trên rêu lưỡi thường trắng hoặc chuyển sang vàng nhạt. Bệnh nhân có thể có mạch tế sác.

     Với những trường hợp mề đay dạng phong nhiệt, Y học cổ truyền thường áp dụng các biện pháp trừ phong, thanh nhiệt và chống ngứa.

Các nguyên liệu cần chuẩn bị:

     Khoảng 12gram các nguyên liệu vỏ núc nác, kim ngân hoa.

     Khoảng 6gram lá đơn đỏ.

Cách thực hiện:

     Các nguyên liệu trên cho vào nồi sắc.

     Cho khoảng 800 ml nước, sắc với lửa nhỏ, đến khi lượng nước còn khoảng 1/2 là có thể sử dụng được.

     Chia lượng nước sắc được thành 2 phần. Dùng thuốc sắc này trước bữa ăn, sử dụng vào buổi sáng hoặc buổi chiều.

Bài thuốc chữa mề đay dạng phong hàn

      Những trường hợp nổi mề đay dạng phong hàn có các đặc điểm như ngứa ngáy khó chịu ngoài da. Khi có gió lạnh, nhiệt độ xuống thấp thì ngứa và mề đay phát nặng, khi có nắng, thời tiết ấm thì người bệnh bắt đầu giảm nhẹ các triệu chứng. Quan sát chất lưỡi của bệnh nhân có màu đỏ nhạt, rêu lưỡi thường có màu trắng trắng, tình trạng mạch phù.

      Đối với tình trạng mề đay dạng phong hàn, pháp chữa chính cho bệnh nhân là áp dụng biện pháp chống ngứa, tán hàn và trừ phong.

Các nguyên liệu cần chuẩn bị:

      Quả ké đầu ngựa khoảng 4 – 5 quả.

Cách thực hiện:

      Đem quả ké đầu ngựa đã chuẩn bị rửa sạch, để ráo.

      Sao quả ké đầu ngựa lên cho vàng, sau đó nghiền nguyên liệu này thành bột mịn.

      Bạn đem hòa bột ké đầu ngựa với nước ấm sau đó chia làm 3 lần uống mỗi ngày. Mỗi lần dùng khoảng 1 – 2gram bột ké đầu ngựa là được.

Bài thuốc chữa mề đay huyết hư phong tán

      Mề đay dạng huyết hư phong tán còn được xem là dạng mề đay mãn tính, thường hay tái phát. Thể bệnh này thường kéo dài và khó chữa dứt điểm. Bệnh nhân thường bị ngứa nhiều vào buổi chiều tối. Bệnh mề đay thể huyết hư phong tán có thể làm cho miệng khô, nóng tại lòng bàn tay, bàn chân. Quan sát chất lưỡi của bệnh nhân có màu đỏ khô, tình trạng rêu lưỡi ít. Bệnh nhân mạch tế, nhỏ và yếu.

      Đối với dạng mề đay huyết hư phong tán, pháp chữa dành cho bệnh nhân là nhuận táo, dưỡng huyết, trừ phong và chống ngứa.

Các nguyên liệu cần chuẩn bị:

      Các nguyên liệu đương quy và bạch thược khoảng 10gram mỗi loại.

      Khoảng 6gram kinh giới.

Các bước thực hiện:

       Đem các nguyên liệu đã chuẩn bị vào ấm pha trà.

       Cho vào khoảng 400 ml nước pha trà đun sôi với lửa nhỏ cho đến khi còn khoảng 300 ml là dùng được.

        Sử dụng nước sắc đã chuẩn bị uống như nước trà thông thường. Nên dùng trước bữa ăn.

Mức độ hiệu quả của phương pháp chữa mề đay theo Y học cổ truyền

        Các bài thuốc Đông Y chữa mề đay thường tập trung vào cải thiện các yếu tố bên trong cơ thể như cải thiện tình trạng suy nhược, phục hồi và tăng cường hoạt động của các tạng quan trọng trong cơ thể như gan, thận. Điều này giúp cho cơ thể có đủ sức chống lại các yếu tố xâm nhập từ bên ngoài như phong nhiệt, phong hàn,… Qua đó bệnh nhân có thể chống lại các yếu tố có hại từ bên ngoài và cải thiện sức khỏe từ bên trong cơ thể hiệu quả hơn.

         Mặc dù vậy, hiệu quả của các phương pháp Y học cổ truyền chữa mề đay cần có thời gian nhất định. Tác động của các phương pháp này không nhanh như sử dụng thuốc Tây. Ngoài ra hiệu quả của thuốc cũng phụ thuộc một phần vào cơ địa của bệnh nhân. Điều này có ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả điều trị và khả năng đáp ứng của thuốc.

Nguồn: Đông Tây y Trường Xuân