Đưa nền Đông y Việt Nam thành một ngành khoa học mạnh

Phát triển nền y dược cổ truyền trở thành một ngành khoa học mạnh, một “mũi giáp công” về kinh tế là một hướng đi đúng, quan trọng và cấp thiết, không chỉ góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, mà còn góp phần vào tăng trưởng kinh tế, quảng bá văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới.

Từ lịch sử, văn hóa, khoa học và thực tiễn, nhất là trải qua đại dịch COVID-19, chúng ta đã thấy, Đông y có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là hỗ trợ tự chăm sóc tại cộng đồng và y tế cơ sở. Đông y đã khẳng định tác dụng trong phòng chống dịch đối với người bệnh ở thể nhẹ, vừa và hậu COVID-19 rất hiệu quả. Chuyên gia dự báo, giai đoạn tới, với nhiều bệnh mạn tính, bệnh mới nổi và các bệnh khó chữa, nhu cầu về tự chăm sóc và chữa bệnh tại cộng đồng sẽ ngày một tăng lên, Đông y sẽ là một trong những lựa chọn ưu tiên. Thực tế đó càng đặt ra yêu cầu cần có chỉ đạo và chính sách phù hợp trong tình hình mới để Đông y Việt Nam phát huy tiềm năng, lợi thế, trở thành một nền khoa học mạnh, góp phần vào chăm sóc sức khỏe nhân dân và tăng trưởng kinh tế.

CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI NỀN ĐÔNG Y VÀ HỘI ĐÔNG Y VIỆT NAM

Nhận thức Đông y có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, trong những năm qua, nhiều nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo cụ thể đã được ban hành. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành ở Trung ương, nền Đông y Việt Nam đã có những bước phát triển và ngày càng có vị trí quan trọng trong nền Y học cách mạng Việt Nam, góp phần làm nên những thắng lợi to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước trên con đường đấu tranh dựng nước, giữ nước, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và chỉ đạo “kết hợp thuốc Đông y với Tây y”. Người dặn dò: “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây”. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chưa đầy một năm sau ngày Tuyên ngôn Độc lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 22/8/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Bội Nội vụ ban hành Nghị định số 337/NV/PC/NĐ thành lập Nghiên cứu Nam dược Hội, tiền thân của Hội Đông y ngày nay.

Ngày 30/9/1981, Ban Bí thư khóa IV đã ban hành Chỉ thị 118-CT/TW đánh dấu những bước phát triển quan trọng của Đông y và Hội Đông y Việt Nam. Ngày 4/7/2008, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Chỉ thị 24-CT/TW về Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới. Thời điểm đó, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá, tuy việc khám chữa bệnh bằng Đông y được mở rộng, số lượng cán bộ tăng, trình độ chuyên môn nâng cao, thuốc Đông y đa dạng về chủng loại, hoạt động xã hội hóa và công tác quản lý hành nghề Đông y có những tiến bộ đáng kể, nhưng sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng, chưa ngang tầm yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhìn nhận những hạn chế trong triển khai chính sách quốc gia về y học cổ truyền, Chỉ thị chỉ ra, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của Đông y, chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong chính sách y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ đó đặt ra yêu cầu: “Phát triển nền Đông y Việt Nam vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là trách nhiệm các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội”.

Triển khai thực hiện Chỉ thị, ngày 30/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2166-QĐ-TTg về Kế hoạnh hành động của Chính phủ về Phát triển y dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020. Ngày 30/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 68/2010/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Ngày 25/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1893/QĐ-TTg về việc Ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030. Các văn bản pháp quy trên thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước đối với nền Đông y Việt Nam trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, thể hiện sự tiếp nối có tính nhất quán các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và bổ sung, cập nhật các yêu cầu phát triển nền y dược cổ truyền nước nhà trong bối cảnh mới.